Giỏ hàng mini

Hiện bạn không có sản phẩm nào trong giỏ hàng.
Vào giỏ hàng

Niệu động học - phương pháp chẩn đoán và điệu trị mới cho trẻ rối loạn đi tiểu

Thời gian đăng: 30-01-2023 11:38 | 61 lượt xemIn bản tin

Rối loạn đi tiểu là vấn đề thường gặp và ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt thường ngày của trẻ. Trong thời gian gần đây, nhằm cố gắng chẩn đoán và góp phần điệu trị chính xác nguyên nhân các rối loạn này và giúp trẻ có cuộc sống hoàn hảo, khoa Thận-nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 bắt đầu triển khai phương pháp đo niệu động học. Để biết thêm thông tin về rối loạn đi tiểu và khi nào cần phải thực hiện đo niệu động học, chúng tôi xin giới thiệu cuộc trao đổi ngắn với Thạc sĩ-Bác sĩ Nguyễn Đức Quang- Phó Trưởng khoa Thận- nội tiết về vấn đề này.

   PV: Xin bác sĩ cho biết thề nào là rối loạn đi tiểu?

   BS: Trẻ con lúc mới sanh tiêu tiểu không kiểm soát. Một trẻ nhủ nhi có thể đi tiểu hơn 20 lần/ngày với thể tích nước tiểu ít. Khi trẻ lớn lên, cùng với sự trưởng thành của hệ thần kinh, số lần đi tiểu sẽ ít lại với thể tích nước tiểu một lần nhiều hơn (trẻ lớn có thể không tiểu từ 90 – 240 phút). Một trẻ bình thường có thể kiểm soát được tình trạng đi tiểu ban ngày vào khoảng 4 tuổi và tiểu ban đêm lúc trẻ được 5 đến 7 tuổi.

   Các triệu chứng rối loạn đi tiểu khá đa dạng, bao gồm các rối lọan trong lúc lưu trữ nước tiểu: tiểu nhiều, tiểu lắt nhắt, tiểu không kiểm soát, tiểu gấp, tiểu dầm và trong lúc tiểu: tiểu rặn, dòng tiểu chậm, tiểu nhỏ giọt, tiểu ngắt quãng. Những triệu chứng này gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của trẻ đặc biệt ở lứa tuổi đến trường vì do mặc cảm tâm lý, trẻ không tham gia được các họat động tập thể.

   PV: Bệnh này có thường gặp không, thưa bác sĩ?

   BS: Đây là bệnh khá phổ biến ở lứa tuổi đi học. Tuy nhiên, nhiều trẻ đã không được chẩn đoán chính xác trước khi đến khám tại phòng khám Thận-nội tiết của Bệnh viện Nhi Đồng 1.

   PV: Xin bác sĩ cho biết về những nguyên nhân thường gặp của bệnh này?

   BS: Nguyên nhân của rối loạn đi tiểu có thể được khái quát thành 2 nhóm: tổn thương thực thể của đường tiểu và các rối lọan chức năng của đường tiểu. Tổn thương thực thể bao gồm các dị dạng đường tiểu bẩm sinh ( bàng quang thần kinh, van niệu đạo sau, trào ngược bàng quang niệu quản, niệu quản lạc chổ …) hoặc nhiễm trùng tiểu, có thể phát hiện bằng xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu và các chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, chụp Xquang hệ niệu cản quang …

   Các rối lọan chức năng đường tiểu dưới là một nhóm nguyên nhân quan trọng và thường gặp khác của rối loạn đi tiểu. Tuy nhiên, nhóm nguyên nhân này không thể chẩn đoán được bằng các xét nghiệm nước tiểu thông thường hay các chẩn đoán hình ảnh đã đề cập.

   PV: Vậy đối với những trường hợp rối loạn chức năng khó như trên thì phải làm gì để chẩn đoán?

   BS: Những trường hợp đó phải tiến hành đo NIỆU ĐỘNG HỌC (URODYNAMIC), là phương pháp giúp đánh giá chính xác chức năng đường tiểu dưới, nhằm xác định nguyên nhân của rối loạn đi tiểu từ bàng quang: tăng hoạt động, giảm hoạt động, kích thước nhỏ,… hay niệu đạo: co thắt cơ niệu đạo, bất tương hợp bàng quang niệu đạo để giúp quyết định điều trị phù hợp.

   PV: Vậy xin cho biết khi nào thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để đo niệu động học?

   BS: Khi trẻ có các triệu chứng rối lọan đi tiểu, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại phòng khám chuyên khoa thận niệu. Trẻ sẽ được bác sĩ khám, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện các dị dạng đường tiểu hoặc nhiễm trùng tiểu. Nếu đã loại trừ những nguyên nhân trên và có các rối lọan đi tiểu bệnh lý ( dựa vào nhật ký đi tiểu của trẻ ), trẻ sẽ được hẹn để đo niệu động học vào thời điểm thích hợp.

   PV: Xin bác sĩ cho biết vài thông tin về quá trình đo niệu động học?

   BS: Đo niệu động học là một quá trình cần có sự hợp tác tốt của trẻ để đạt được kết quả chính xác. Quá trình đo niệu động học bao gồm một số thủ thuật không xâm lấn (đo dòng nước tiều) và xâm lấn (có đặt ống thông tiều và thông trực tràng) tiến hành trong khoảng 30 phút đến 1 giờ tùy vào sự hợp tác của trẻ. Phụ huynh và trẻ sẽ được tư vấn kỹ hơn trước khi tiến hành đo niệu động học.

   PV: Theo bác sĩ, đây là một phương pháp tốt trong chẩn đoán rối loạn đi tiểu?

   BS: Đây hầu như là phương pháp duy nhất giúp tiếp cận chức năng của bàng quang và niệu đạo lần đầu tiên áp dụng cho trẻ em tại Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ giúp cho các em có được cuộc sống vui vẻ và hòa đồng ở lứa tuổi hồn nhiên của mình.

   PV: Xin cám ơn bác sĩ!

 
 
Bình luận

Thống kê